Cây đinh lăng được danh là “nhân sâm quý dành cho người nghèo”. Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng tại sao danh y Hải Thượng Lãn Ông lại đặt cho loài cây này cái tên thân thương như vậy chưa? Hãy cùng chúng tôi khám phá những công dụng tuyệt vời khiến cho đinh lăng trở thành vị thuốc quý như vậy nhé!

Thông tin về cây đinh lăng
Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias fruticosa L. Harms, thường được gọi với cái tên dân gian là cây gỏi cá. Đây là một loại cây cảnh vô cùng quen thuộc trong vườn tược của mỗi gia đình Việt Nam.
Nguồn gốc của cây đinh lăng xuất phát từ nhân sâm với thân cây nhẵn, không có gai, cao từ 0,8-1,5m. Lá đinh lăng có mùi thơm, hỉnh xẻ lông chim, thường được sử dụng làm rau ăn kèm trong các bữa ăn. Hoa đinh lăng gồm nhiều tán hoa nhỏ, màu trắng xám hoặc lục nhạt, trong khi đó quả đinh lăng hình dẹt, dài 3-4 mm, màu trắng bạc. Bộ phận được dùng để làm thuốc chủ yếu lá và rễ cây.
Tác dụng của cây đinh lăng
Chữa lành vết thương
Bạn chỉ lấy một ít lá đinh lăng, rửa sạch rồi giã nát, sau đó đắp lên vết thương ngoài da sẽ giúp cầm máu và làm lành vết thương nhanh chóng.
Chữa mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Nhờ chứa hàm lượng hoạt chất cao như gluxit, saponin triterpenoid, tanin trong rễ, thân và lá cây, đinh lăng được dùng để bồi bổ cơ thể, giúp tăng cường sức dẻo dai và nâng cao sức đề kháng của cơ thể, khi cơ thể mệt mỏi, đồng thời chữa đau đầu và mất ngủ rất hiệu quả.
Chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ
Từ xa xưa, các cụ đã sử dụng lá đinh lăng phơi khô để lót vào gối hoặc trải xuống giường cho trẻ nằm để chữa chứng mồ hôi trộm.
Lợi sữa
Một trong những công dụng ít người biết của đinh lăng chính là giúp tăng tiết sữa cho các bà mẹ. Cách thực hiện bài thuốc lợi sữa từ đinh lăng cũng rất đơn giản: chỉ cần đun sôi một nắm lá đinh lăng, sau đó chắt lấy nước và uống khi nước còn ấm. Ngoài ra, các bà bầu có thể dùng lá đinh lăng để nấu cháo ăn hoặc sắc nước uống rễ cây đinh lăng. Tham khảo bài thuốc lợi sữa khác từ thảo dược lá húng quế.

Chữa bệnh tiêu hóa
Đinh lăng còn nổi danh là bài thuốc chữa các bệnh tiêu hóa, thuốc chữa tiêu chảy hiệu quả. Các bệnh tiêu hóa như đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy có thể được điều trị bằng cách uống nước sắc lá cây đinh lăng mỗi ngày.
Chữa đau cơ khớp
Nếu kiên trì uống nước thân cây đinh lăng sắc với một vài loại thuốc bắc, những bệnh liên quan đến xương khớp như đau lưng, mỏi gối, đau khớp, thấp khớp của người già sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Lợi tiểu
Đinh lăng còn có tác dụng hạ huyết áp cho những bệnh nhân cao huyết áp, đồng thời giúp lợi tiểu cho những người bị chứng khó tiểu..
Hoạt huyết dưỡng não
Đối với những người thường xuyên sử dụng đinh lăng, vỏ não sẽ được hoạt hóa nhẹ và có tính đồng bộ, các chức năng của hệ thần kinh về tiếp nhận và tích hợp đều tốt hơn. Không chỉ vậy, đinh lăng còn ức chế men MAO rất tốt nên có thể cải thiện triệu chứng run ở những người bệnh già mắc bệnh run tay, run chân và bệnh Parkinson.

Cách dùng cây đinh lăng
Có rất nhiều cách để sử dụng đinh lăng làm thuốc chữa bệnh. Bạn có thể dùng lá đinh lăng phơi khô để làm gối, hoặc ủ trà, sắc uống. Trong khi đó, rễ đinh lăng thường được ngâm rượu hoặc sắc thuốc để bồi bổ cơ thể, chữa bệnh xương khớp. Thân cành đinh lăng sấy khô được các chuyên gia đông y sử dụng để kết hợp với các bài thuốc khác nhằm mục đích chữa bệnh.
Lưu ý khi sử dụng cây đinh lăng
Do rễ đinh lăng chứa nhiều saponin có tác dụng gần như nhân sâm và nhiều sinh tố B1 có thể làm vỡ hồng cầu, nếu như sử dụng đinh lăng với liều lượng cao sẽ gây ra hiện tượng hoa mắt, chóng mặt và kèm theo cảm giác mệt mỏi, buồn nôn và tiêu chảy. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng đinh lăng làm thuốc chữa bệnh nhé!
Thực hư về lời đồn tác dụng kì diệu của cây đinh lăng hy vọng trong bài viết trên đây đã giải thích thỏa đáng cho bạn đọc.